Sắp đưa 7.000 lít dầu siêu độc khỏi vịnh Hạ Long

Ngày 01/10/2014 15:51 PM (GMT+7)

7.000 lít hóa chất siêu độc hại ở Vịnh Hạ Long sẽ được chuyển về Kiên Giang để xử lý.

Ngày 1/10/2014, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường cho hay, hiện lô hàng gồm thân máy biến thế, 7.000 lít dầu biến thế chứa PCB vẫn nằm tại cảng Cái Lân, trong điều kiện bảo quản tốt nhất.  Các bên sẽ tiến hành việc di dời cũng như xử lý toàn bộ số dầu độc hại này sớm nhất để đảm bảo an toàn cho khu vực vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).

Cụ thể, Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long đã ký hợp đồng với một công ty có năng lực xử lý chất độc này ở Kiên Giang. Các phương án vận chuyển, xử lý đã được công ty này chuẩn bị kỹ lưỡng, dưới sự tư vấn, giám sát của Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Sắp đưa 7.000 lít dầu siêu độc khỏi vịnh Hạ Long - 1\

Hai container chứa 7.000 lít dầu siêu độc. Ảnh: Người lao động

Kinh phí sẽ hoàn toàn do Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long chi trả, ngân sách Nhà nước không hỗ trợ.

Theo lý giải của Bộ Tài nguyên – Môi trường, việc xử lý 7.000 lít hóa chất siêu độc thời gian qua chậm trễ bởi hiện ở nước ta chỉ có duy nhất một công ty ở Kiên Giang có thể xử lý được loại hóa chất siêu độc trên. Do đó, mọi phương án vận chuyển và xử lý cần phải chuẩn bị chu đáo, tránh sai sót.

Được biết, loại dầu biến thế chứa PCB siêu độc (Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với 4 đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, khả năng tích tụ sinh học cao. PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt.

Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ. PCB được sử dụng làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện. Trong hầu hết các loại máy biến thế được chế tạo trước những năm 1970 trên thế giới, dầu chứa PCB trong máy có tác dụng dẫn nhiệt nhưng không dẫn điện, chức năng chính là tỏa nhiệt làm mát.

Đến khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, công nghệ sử dụng dầu máy chứa PCB đã được loại bỏ gần như hoàn toàn.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên-Môi trường cho hay, hiện nay, trên thế giới chất thải độc hại này có ở hầu hết các nước. Điều kiện xử lý đòi hỏi cao về kỹ thuật chuyên môn cũng như tài chính. Các công ty có năng lực xử lý chỉ có ở một số địa điểm nhất định. Chẳng hạn, ở khu vực Bắc Âu chỉ có Đan Mạch có nhà máy xử lý và tất cả các nước Bắc Âu đều phải vận chuyển về đây khi có nhu cầu.

Ở Việt Nam, loại dầu biến thế siêu độc hại0 này cũng có ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí là ở các huyện trong cả nước và chỉ có duy nhất một công ty ở Kiên Giang có đủ năng lực xử lý.

Trước đó, Sở Tài nguyên-Môi trưởng tỉnh Quảng Ninh phát hiện 1 trong 3 máy biến thế mà Công ty Cửu Long nhập từ Hàn Quốc về cảng Cái Lân có chứa chất độc hại PCB. Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt hành chính công ty này, buộc phải tái xuất về Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác không chịu nhận lại.

Để bảo đảm an toàn trong khi chưa có biện pháp xử lý, tháng 5/2014, Công ty Cửu Long đã phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Quảng Ninh rút gần 7.000 lít dầu nhiễm PCB khỏi 3 máy biến thế, cho vào 2 container về đặt tại kho bãi của Công ty TNHH MTV Cảng Quảng Ninh. 

Bảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan