Bão số 7 có thể gây mưa lớn, ngập cục bộ ở miền Bắc

Ngày 13/08/2013 19:49 PM (GMT+7)

Sau khi đổ bộ vào Trung Quốc, siêu bão sẽ giảm cấp và tiếp tục quặt xuống xuống các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc, gây gió và mưa lớn 100 mm – 300 mm ở miền Bắc, Hà Nội có thể ngập cục bộ.

Đổ bộ vào Trung Quốc rồi quặt về phía Việt Nam

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, 16h chiều nay cấp gió mạnh nhất vẫn 13, 14, chiều mai đổ bộ phần đất liền bán đảo Lôi Châu. Trước khi đổ bộ bão sẽ tăng thêm một cấp nữa lên cấp 15. “Diễn biến mới nhất ngày hôm nay là dự báo, sau khi đi vào đất liền Lôi Châu sẽ di chuyển lệch về phía đất liền vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc”, ông Hải nói.

Dự báo xấu nhất là của Hải quân Hoa Kỳ là hướng về phía Việt Nam. Sau khi đạt cường độ mạnh nhất vào chiều mai (14/8/2013), bão sẽ giảm cấp và suy yếu nhanh, khi vào biên giới Việt – Trung, vùng tâm bão gió sẽ còn khoảng cấp 6.

Từ ngày mai, khu vực vịnh Bắc bộ sẽ có gió mạnh dần lên cấp 6, 7, phía Đông bắc sẽ có mạnh cấp 8, cấp 9.

Cụ thể, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cho hay, lúc 16 giờ ngày 13/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 113,9 độ Kinh Đông. Cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 14/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.       T

rong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km một giờ), giật cấp 9 cấp 10.      

Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.      

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển khu vực Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 11, cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội. Vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, cấp 13. Biển động dữ dội. Từ ngày mai (14/8), vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, riêng phía Đông Bắc cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh.       

Ngoài ra do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Hà Nội có thể ngập cục bộ

Bão số 7 có thể gây mưa lớn, ngập cục bộ ở miền Bắc - 1

Hình ảnh minh họa bão quặt xuống Việt Nam sau khi đổ bộ Trung Quốc (Nguồn: TTDBKTTV)

Bão số 7 có thể gây mưa lớn, ngập cục bộ ở miền Bắc - 2

Phương án dự báo xấu hơn (quặt xuống Việt Nam sâu hơn) của Hải quân Mỹ (Nguồn: Trang dự báo của Hải quân Mỹ)

Nhận định về dự báo mưa cho thấy, trong cơn bão này, Thủ đô Hà Nội sẽ có mưa khoảng 100 mm. Với lượng mưa này, sẽ có vài nơi ở Hà Nội có thể ngập cục bộ, khả năng ngập lụt như cơn bão số 6 vừa qua là không có.

Ông Lê Thanh Hải cho hay, từ đêm 15/8, mưa sẽ tập trung ở khu vực Đông Bắc tức các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh… sau đó tăng về phía các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Lượng mưa ước lượng từ 200mm – 300mm ở phía Đông Bắc và vùng núi phía Bắc, còn lại lưu vực sông Đà và Đông Bắc bộ sẽ có mưa khoảng 100 mm. Khu vực các tỉnh Đông bắc sẽ có mưa trước sau đó, mưa sẽ kéo ra các tỉnh vùng núi phía Bắc, dự báo từ ngày 16/8 – ngày 18, 19/8 có thể kết thúc.

“Nhìn chung, mưa của cơn bão này không đáng ngại lắm. Ở Thủ đô Hà Nội có khả năng sẽ mưa khoảng 50 mm, chỉ có thể gây ngập úng cục bộ chứ không ngập như cơn số 6 vừa qua”, ông Hải nói.

Đặc biệt chú ý giông tố lốc trước khi cơn bão này vào rất nguy hiểm, đặc biệt là từ trưa và chiều mai, chú ý giông tốc lốc ở khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng.

Hết sức đề phòng mưa lớn

Chiều nay, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (PCLB) - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có cuộc họp khẩn thứ 2 để đối phó với những diễn biến mới này của siêu bão số 7.

Theo báo cáo nhanh số 363/BC-CQTT, ngày 13/8/2013 của Cơ quan thương trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN/BĐBP, tính đến 16h chiều nay, Biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thống bão, kiểm đếm, hướng dẫn cho  76.977 phương tiện/320.300 người và 1.340 lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 7 để chủ động di chuyển, phòng tránh.

Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo PCLB trung ương cho hay, đối với tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định tùy theo diễn biến sẽ quy định cấm biển đối với tàu thuyền. Đặc biệt chú ý các đoạn ngầm qua sông suối ở các tỉnh miền núi phía Bắc, cần có người túc trực hướng dẫn giao thông, người dân qua lại.

Theo đại diện Bộ đội Biên Phòng, Bộ quốc phòng đã có chỉ đạo với Binh chủng Phòng không Không quân, các Quân khu, Cảnh sát biển và nhiều lực lượng khác tiếp tục di chuyển các lồng bè. Xác định, gió giật cấp 9, cấp 10, nếu chủ quan thì sẽ có nguy cơ xảy ra tai nạn nên sẽ hết sức chú ý.

Hiện, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc yêu cầu hợp tác để các tàu cá trên biển trú tránh khi cần thiết.

Bộ trưởng, Trưởng ban chỉ đạo PCLB trung ương Cao Đức Phát nhận định, đường đi của bão ngày 15/8, 16/8 hơi thiên về phía miền núi phía Bắc Việt Nam. Tổng hợp các dự báo đều cho thấy khả năng bão quặt về phía các tỉnh miền núi phía Bắc với xác suất trên 60% sẽ di chuyển vào vùng Cao Bằng, Hà Giang.

Chúng ta cần làm rõ hơn xác suất mưa lớn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là vùng Đông Bắc. “Nếu lượng bình quân 200 – 300 mm thì đồng nghĩa với việc sẽ có những nơi cục bộ mưa cao hơn. Các địa phương miền núi phía Bắc cần hết sức đề phòng mưa lớn, trung du, đồng bằng chú ý lũ trên các dòng sông”, Bộ trưởng nhận định.  

Gió riêng ở phía Đông Bắc là cấp 8, cấp 9. Vùng tiếp giáp Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bộ trưởng chỉ đạo các tỉnh cần hướng dẫn nhân dân neo đậu tàu thuyền bao gồm cả tàu du lịch, tàu đánh cá, lồng bè, đặc biệt là vùng Móng Cái (Quảng Ninh). Đề nghị các tỉnh cấm biển vào thời điểm phù hợp. Từ đêm nay (13/8), không cho phép các tàu du lịch để người ngủ lại. Vùng Quảng Ninh hiện đã bắt đầu có mây, trong đêm nay sẽ có mây đậm kèm theo giông lốc.

“Sau cuộc họp tôi sẽ trực tiếp điện thêm cho Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình để thông báo những diễn biến mới nhất của bão để các tỉnh cập nhật và đưa ra phương án phòng chống”, Bộ trưởng nói.

Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin bão số 7