Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ

Ngày 27/09/2014 16:05 PM (GMT+7)

Những bức ảnh thời "ngố tàu" của hai anh em khiến khán giả cười nghiêng ngả.

Hoài Linh sinh ngày 18 tháng 12 năm 1969 tại Cam Ranh trong một gia đình có tất cả 6 người con (ba trai, ba gái) và anh là con thứ ba và là con trai trưởng trong gia đình. Cha mẹ anh quê ở Đại Lộc, Quảng Nam.

Đến năm 7 tuổi, Hoài Linh theo gia đình đi vùng kinh tế mới. Từ bán đảo Bình Ba, cùng với nhiều bà con trong xóm, cả nhà xúm xít trên một chiếc tàu thủy chật chội chạy hướng về phía cảng Vũng Tàu rồi đến Dầu Giây (Đồng Nai).

Đó là chuyến đi đầu đời”, anh kể về hành trình cuộc đời mình: “Không có nhà ở, gia đình tôi mua lại chiếc chuồng heo mới xây của một người trong xóm. Bố tôi kiếm tấm vải dù che xung quanh để tránh mưa gió. Rồi đại gia đình tôi chui cả vào ngôi nhà rộng hơn 10m2, trống trơ tứ phía”.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 1
Trong ảnh, Dương Triệu Vũ là người đang được người chị thứ 3 bồng trên tay, còn anh trai Hoài Linh là người đứng ở vị trí thứ 2 (hàng sau, từ phải sang). So với bây giờ, danh hài Hoài Linh có ngoại hình không khác mấy.

Sáu đứa con, gia cảnh nghèo khiến ba mẹ anh phải xoay xở đủ nghề để có thể lo đủ cơm ngày hai bữa. Hoài Linh là con trai nhưng lại gần gũi mẹ. Thương mẹ sáng mướt mồ hôi với nghề hộ sinh, y tá... tối đến lại tất tả ra ruộng mở nước, Hoài Linh cũng lóc cóc theo ra ruộng mót lúa, mót khoai, hái rau, bắt ốc về cho nhà. Gót chân, kẽ móng tuổi thơ luôn ngấm bùn đã khiến cho chất nông dân ngấm vào máu thịt đến tận bây giờ. Và thật dễ hiểu vì sao Hoài Linh vào các vai nông dân “chất” và “ngọt” như thế. Anh thương mẹ tảo tần và kính trọng ba, một người đàn ông luôn nghèo nhưng hiếu học, quà cho con chỉ toàn sách mà thôi.

Từ năm 13 tuổi, anh bắt đầu buôn bán phụ giúp gia đình. Mùa nào thức nấy, lúc thì chôm chôm, lúc thì mía ghim, chuối khô, chuối sấy, lúc thì trà đá, chuối nấu, nước sâm... miễn là có tiền. Rồi duyên may đến, anh gặp được nghệ sĩ Thanh Lộc - một diễn viên của đoàn kịch Khánh Hòa mới chuyển sang làm trong đoàn ca múa nhạc dân tộc Ponaga.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 2

Vì là diễn viên tay ngang nên Hoài Linh được xếp hát dân ca, diễn hài lót chỗ. Vở hài đầu tiên của anh là vai diễn sứt môi trong tiểu phẩm Ngọc Hoàng xử án. Vai diễn được khán giả đón nhận nhiệt tình giúp anh tự tin bước chân theo con đường hài kịch. Tiền cát-xê thời đó rất “bèo” nên ngoài thời gian đi diễn, Hoài Linh vẫn tiếp tục công việc buôn bán trái cây, hoặc thỉnh thoảng phụ chị gái làm móng tay. Có thể thấy không có nghề gì mà anh chưa kinh qua.

Năm 20 tuổi, anh chính thức xuất ngoại, sang Mỹ với muôn vàn khó khăn. Anh bồi hồi nhớ lại: “Ngồi trên máy bay hơn 20 tiếng đồng hồ nhưng tâm trạng tôi lúc nào cũng hồi hộp và rối bời bởi một loạt câu hỏi quay quắt trong tâm trí: Mỹ là đất nước như thế nào? Gia đình tôi sẽ sống ra sao? Tương lai của tôi sẽ đi về đâu?”.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 3
Lúc mới lớn, Hoài Linh cũng rất "sành điệu" với ria con kiến và mái tóc khá điệu đàng, đúng mốt của trai mới lớn thời đó.

Khi ấy, gia đình đang được nhận tiền trợ cấp nên cũng chưa có ai đi xin việc làm. Thời gian rảnh, Hoài Linh ra ngoài chợ phụ bác bán hàng. Anh đứng ở quầy thịt, lâu lâu bó rau cải, sắp xếp hàng hóa, ướp đá vào đồ hải sản, chặt thịt bò... Cuộc sống mưu sinh trên đất khách lại tiếp tục. Mỗi ngày trở về với chiếc áo khoác loang lỗ máu bò khiến ai cũng ngao ngán. Hai tháng sau, vì thân hình quá gầy, không chịu lạnh nổi, anh đành phải chuyển qua hãng điện tử hàn chíp bo mạch. Thời gian đó ngồi dưới đèn hàn, mắt anh mờ dần đi và đành nghỉ làm để đi phụ bán hàng cho người quen.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 4
Hình ảnh của Hoài Linh thuở mới vào nghề.

Khi đã thành danh ở xứ người, Hoài Linh vẫn là một cái tên xa lạ ở quê nhà nhưng anh nhất định quay về Việt Nam như một định mệnh. Anh gặp Hữu Lộc và gắn bó với sân khấu Nụ cười mới cho tới tận bây giờ: “Trở về Việt Nam để sống, để gắn bó lâu dài với sân khấu quê hương không đơn thuần là một sự chọn lựa mà là điều tôi hằng ao ước. Bởi vì, cuộc sống trên xứ người dù có tiện nghi đến đâu, tôi vẫn không cảm nhận được nét đẹp riêng và cái hồn của quê hương, dân tộc mình, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Ngoài ra, ở Việt Nam, tôi tìm được hạnh phúc của một nghệ sĩ bởi có những khán giả sẵn sàng đội mưa đến xem tôi diễn, cùng khóc, cùng cười với nhân vật của tôi. Tôi biết ơn quê hương và khán giả của mình”.

Con đường lập nghiệp của Dương Triệu Vũ lại khác. Thời gian đầu khi mới qua Mỹ, anh không biết nói tiếng Anh và mặc cảm về thân phận 'ma mới' của mình ở trường. Là một câu bé Châu Á ốm nhom, không mấy đẹp trai, không thạo tiếng Anh, anh luôn là tâm điểm cho sự trêu chọc của bạn bè.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 5
Dương Triệu Vũ ngày nhỏ.

Dương Triệu Vũ nói: "Vì thế tôi đã quyết tâm dành thời gian vùi mài sách vở, để sau này thi vào một trường trung học, với mong muốn là một học sinh ngoại hạng và thật nổi tiếng tại trường".

Nhờ sự cố gắng không ngừng, với tài ca hát và gây dựng một nhóm nhạc tại trường, năm cuối của lớp Tiểu học (lớp 5), Dương Triệu Vũ đã gặt hái được những thành quả nhất định: Là một trong hai học sinh đoạt cúp vàng, ghi nhận sự đóng góp cho nhà trường. Từ đó, đời học sinh của Vũ lên rất nhanh, luôn đứng top 10 học sinh xuất sắc của trường và được giữ nhiều chức vụ trong lớp.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 6

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 7
Anh em Dương Triệu Vũ và Hoài Linh có nhiều nét giống nhau.

Khi vào đến cấp 3, Dương Triệu Vũ đã là một trong những số ít học sinh được vào chương trình đặc biệt IB dành cho học sinh ưu tú. Điểm thi IQ của Dương Triệu Vũ đạt gần 140 điểm. Trong quá trình học từ lớp 9 - 12, Dương Triệu Vũ đạt khá nhiều thành tích và bằng khen.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 8

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 9
Dương Triệu Vũ theo nghiệp ca hát năm 18 tuổi.

Đến năm 18 tuổi, Dương Triệu Vũ được nhận vào trung tâm ca nhạc Thúy Nga. Vũ đã liều lĩnh làm một CD, gửi đến trung tâm ca nhạc của lớn nhất của người Việt tại Mỹ này để thử giọng. Giám đốc trung tâm Thúy Nga rất ngạc nhiên với chất giọng già dặn, ngược lại với khuôn mặt "baby" của Vũ. Anh được ghi hình cho trung tâm Thúy Nga bài hát đầu tiên mang tên Cho người tình lỡ và được khán giả chú ý ngay lập tức.

Thời niên thiếu của Hoài Linh, Dương Triệu Vũ - 10
Gia đình Hoài Linh, Dương Triệu Vũ.

Giờ đây, cả Hoài Linh và Dương Triệu Vũ đều có chỗ đứng riêng trong làng nghệ thuật Việt Nam. Nếu như Hoài Linh được đông đảo khán giả khắp ba miền yêu mến, được tôn kính trong giới nghệ sỹ thì Dương Triệu Vũ là ca sỹ trẻ sớm gặt hái được nhiều thành công trên các sân khấu ca nhạc trong và ngoài nước.

H.M
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hoài Linh