Phức tạp bệnh tay chân miệng ở Sài Gòn

Ngày 17/05/2014 11:04 AM (GMT+7)

Để tránh và phòng bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh thật sạch cho con em và cho chính mình.

Thời gian tới có thể tăng cao

Thời gian qua, các bậc phụ huynh khắp cả nước lo lắng vì sởi có nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, khi sởi được dư luận quá quan tâm thì căn bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh lại không được dư luận coi trọng. Tại TP.HCM hiện nay, hầu hết tất cả các bệnh viện có điều trị cho trẻ em đều tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng.

Theo thông tin chúng tôi có được, từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM số ca mắc bệnh tay chân miệng hơn 3.500. Trong đó, tại bệnh viện Nhi Đồng 1 có khoảng 2.300 ca tay chân miệng điều trị nội trú. Tại bệnh viện Nhiệt Đới cũng có hơn 1.000 trường hợp nhập viện.

Phức tạp bệnh tay chân miệng ở Sài Gòn - 1

Trẻ nhập viện vì tay chân miệng tăng cao

Được biết, hiện nay, mỗi ngày có khoảng 50 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 và 40 ca mắc bệnh tay chân miệng điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Trong đó, trẻ dưới 3 tuổi chiếm hơn 80%. Nhiều bác sĩ cho hay, nửa đầu tháng 5, số ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng tăng gần gấp đôi so với cùng kì tháng trước.

Ông Nguyễn Trí Dũng, giám đốc trung tâm y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng năm nay cao hơn hẳn các năm trước. Hầu hết tất cả các quận huyện đều có ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, các quận, huyện Bình Tân, Bình Chánh, quận 8 có nhiều ca mắc bệnh nhất.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay, mỗi năm có hai mùa tay chân miệng cao điểm là từ tháng 4 đến tháng 6 và từ tháng 9 đến tháng 12. Hiện nay, chỉ mới là mùa cao điểm đầu tiên về bệnh tay chân miệng trong năm. Nếu thời gian tới không khống chế được thì số lượng trẻ mắc tay chân miệng sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.

Sốt cao trong vòng 24 giờ phải đem đi khám ngay

Anh Mai Văn Thành (ngụ huyện Bình Chánh) có con mới 2,5 tuổi. Cách đây chừng một tuần, vợ chồng anh Thành thấy con biếng ăn, lười chơi, cứ nghĩ là trời nắng nóng nên bé mới như vậy. Tuy nhiên, chỉ sau hai ngày, bé nổi mụn nước quanh miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Vợ anh cho rằng đây là bệnh bình thường ở trẻ nên ra quầy thuốc gần nhà mua thuốc về bôi. Tuy nhiên, càng bôi thuốc mun nước lại càng nhiều.

Cách đây hai ngày, anh Thành đưa con vào bệnh viện huyện Bình Chánh thì được bác sĩ ở đây cho chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1. Dù được lực lượng bác sĩ, y tá tận tình chữa chạy nhưng giờ bé vẫn bỏ bú, không ăn.

Phức tạp bệnh tay chân miệng ở Sài Gòn - 2

Nhiều trẻ bị biến chứng nặng

Tại bệnh viện Nhiệt Đới, chị Trương Thị Hoa (quận Thủ Đức) cho hay, mấy ngày trước, thấy con gái mọc mụn nước ở tay nên ra quầy thuốc mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, uống kháng sinh hai ngày, tình trạng mụn nước không giảm mà còn tăng nhiều hơn. Chỉ đến khi bé bỏ ăn, chị mới cho con nhập viện thì lúc này bác sĩ chẩn đoán cháu bị tay chân miệng độ 2A. “Thấy con bị nổi mụn nước khắp người, cứ khóc hoài làm tôi xót lòng không chịu được”, chị chia sẻ.

Trong khi đó, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Nguyễn Thị Mai (huyện Củ Chi) cho biết, mấy ngày trước thấy con nổi mụn nước ở miệng và lòng bàn chân mà cứ tưởng là nổi ban. Theo kinh nghiệm của người già, chị không cho cháu ra gió và dùng khăn ướt lau sạch người. Chỉ sau ba ngày, khắp người bé nổi đầy mụn nước. Bên cạnh đó, cháu bị giật mình, ói mửa. Đến lúc này, chị đành cho con vào nhập viện.

Mặc dù bệnh tay chân miệng đang tăng mạnh nhưng rất may hiện giờ chưa có biến chứng nặng liên quan đến phù phổi cấp, viêm não, viêm cơ tim. Hầu hết, các ca tay chân miệng nhập viện thường có triệu chứng chung là sốt cao, nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, bỏ ăn, giật mình, ói mửa, tay chân run rẩy…

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng dưới 3 tuổi đáng lo ngại hơn so với trẻ từ 3 tuổi trở lên. Điều đáng nói, hiện nay, nhiều phụ huynh đang nhầm tưởng, mỗi trẻ chỉ bị mắc bệnh tay chân miệng một lần. Thực ra, vi rút gây bệnh này có rất nhiều loại nên mỗi trẻ có thể bị nhiều lần.

Nhiều bác sĩ khuyên, đối với những trẻ phát hiện sốt cao trong vòng 24 giờ đồng hồ mà không rõ nguyên nhân thì nên đưa đến bệnh viện khám để có chẩn đoán chính xác và có thuốc điều trị phù hợp, tránh trường hợp trẻ bị biến chứng nặng. Để tránh và phòng bệnh tay chân miệng, phụ huynh nên thường xuyên vệ sinh thật sạch cho con em và cho chính mình.

Nhật Phát
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan