Kinh nghiệm chăm con sốt virus tiết giao mùa

Ngày 06/09/2014 12:40 PM (GMT+7)

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, sốt virus có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ.

Thời tiết chuyển mùa luôn là điều kiện thuận lợi để các loại virus gây bệnh phát triển mạnh; đối với trẻ em, sức để kháng còn yếu nên đây là thời điểm bé rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan tới hô hấp, sốt virus,...

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), số ca trẻ bị sốt virus đang tăng lên. Một trong những nguyên nhân là do những ngày gần đây thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường khiến cho trẻ dễ bị mắc bệnh hơn.

Triệu chứng trẻ bị sốt virus

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ bị sốt virus thường sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, đi kèm một số dấu hiệu khác như:

- Đau cơ bắp: Khi sốt virus, một số trẻ bị đau nhức khắp mình mẩy, cơ bắp; ở trẻ nhỏ thì hay quấy khóc, đau đầu; tuy nhiên, một số trường hợp bé bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo, chơi nghịch được.

- Phát ban: Ở một số bé thường bị nổi ban sau 2 - 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì bé đỡ sốt hơn).

- Mắt nhìn mờ: Trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt,... khiến khi nhìn mọi vật bị mờ đi.

- Nôn: Trẻ thường nôn nhiều lần, nhất là sau bữa ăn.

Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp khi trẻ bị sốt virus là ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi ngoài,... Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Đặc biệt, một số phụ huynh cho rằng sốt virus là phải sốt rất cao, tuy nhiên, vẫn có những trường hợp trẻ sốt virus nhưng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ. Do đó, bố mẹ không nên chủ quan mà phải theo dõi trẻ sát sao.

Kinh nghiệm chăm con sốt virus tiết giao mùa - 1
PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Những biến chứng nguy hiểm

Thông thường, trẻ bị sốt virus có thể khỏi sau 5 - 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, một số biến chứng có thể xảy ra ở trẻ như:

- Viêm phổi: Đây là biến chứng nặng thường gặp, có thể bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm.

- Viêm tiểu phế quản: Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đây cũng là biến chứng rất nặng có thể xảy ra với trẻ nhỏ.

- Viêm thanh quản: Khi thanh quản bị sưng phù có thể khiến trẻ bị khó thở, thở rít.

- Viêm cơ tim, gây loạn nhịp tim, ngừng tim: Sau khi hết sốt mà trẻ vẫn mệt, lịm đi, không chơi nghịch, không ăn được thì bố mẹ cần cẩn thận.

- Đáng ngại nhất là bệnh có thể gây ra những biến chứng ở não, trẻ bị co giật, hôn mê và có thể mang di chứng nặng nề.

Chăm sóc trẻ sốt virus

Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nếu không xảy ra những biến chứng nguy hiểm trên thì phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Phụ huynh chỉ cần chăm sóc trẻ thông thường: hạ sốt khi trẻ sốt cao, nếu trẻ bị ho thì cho uống thuốc ho, uống nhiều nước và nhất là cần cho trẻ nghỉ ngơi. Tuyệt đối không để trẻ ra ngoài đi chơi, đi học,... sau khi uống thuốc, như thế sẽ rất nguy hiểm bởi nó tạo điều kiện cho những biến chứng xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Dũng, với những phụ huynh có hiểu biết rõ về cách chăm sóc trẻ bị sốt virus thì không nhất thiết phải đưa trẻ tới bệnh viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần lưu ý một số điều sau: Giữ nhà cửa và phòng của trẻ thoáng mát (tuyệt đối không đóng kín cửa), không mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp nhiều chăn, dán miếng hạ sốt khi thấy con sốt cao, rét. Khi trẻ sốt từ 38,5 độ C trở nên thì cho trẻ uống hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Tuy nhiên, nếu bố mẹ chưa có hiểu biết, kinh nghiệm về chăm sóc trẻ bị sốt virus thì nên đưa con tới bệnh viện để trẻ được chăm sóc tốt nhất. Hoặc trong trường hợp nghi ngờ trẻ có thể bị mắc bệnh khác, nghi ngờ biến chứng xảy ra thì cần cho trẻ đi khám kịp thời. Đặc biệt, nếu theo dõi thấy trẻ bị sốt quá 3 ngày thì cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế để khám và điều trị.

Huyền Đặng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách hạ sốt cho trẻ sơ sinh