Chuyện về 'Một giọt máu đào'...

Ngày 01/10/2014 08:53 AM (GMT+7)

Cha mẹ mất, để lại của thừa kế cho hai anh em là mảnh đất 3.000m2. Đất ở quê, chắc cũng không đắt. Nhưng, em kiên quyết muốn chiếm hết.

Anh tên, Danh Thanh Hậu (41 tuổi).

Em nhỏ hơn anh 3 tuổi, tên Danh Hậu Phương.

Chữ lót của em chính là tên của anh.

Vậy mà sáng qua 29-9-2014, em đã đánh chết anh bằng chĩa ba, bằng thân cây gỗ tràm, bằng búa đóng đinh, bằng đá nhọn…

Không chỉ em đánh chết anh, mà vợ của em cũng đánh chết vợ của anh. 6 cháu nhỏ là con của vợ chồng anh, là cháu ruột của vợ chồng em phút chốc lâm cảnh côi cút, cháu lớn nhất 8 tuổi, cháu nhỏ nhất mới vừa 8 tháng.

Vụ việc xảy ra ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

1. Cha mẹ mất, để lại của thừa kế cho hai anh em là mảnh đất 3.000m2. Đất ở quê, chắc cũng không đắt. Nhưng, em kiên quyết muốn chiếm hết. Em lấn lướt chửi mắng anh, vợ em cũng hùa theo nhấm nhẳng với vợ chồng anh. Anh nhịn, dẫu sao thì cũng phận làm anh, căng thẳng sợ láng giềng chê cười, cãi lại sợ anh linh của mẹ cha buồn.

Nhà anh với nhà em liền kề trên mảnh đất cha mẹ để lại, sáng em kiếm cớ đá chó, chiều em kiếm cớ ném gà. Cứ vậy mà cho đến ngày mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, vợ chồng em ra tay sát hại vợ chồng anh. Sát hại vào lúc sáng sớm, sát hại ngay trên vệ đường.

Khi đọc bản tin này, tôi đã khóc. Khóc vì uất ức, khóc vì hoảng sợ, khóc vì đau đớn. Bởi chưa bao giờ tôi có thể hình dung được cảnh, làm sao huynh đệ có thể tương tàn theo cái cách đầy nhẫn tâm và cay nghiệt đó.

Ông Dương Chí Dũng, nguyên là Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Ông Dũng là anh ruột của ông Dương Tự Trọng, nguyên là Phó Giám đốc Công an Thành phố Hải Phòng. Ông Trọng được đánh giá là cán bộ chiến sĩ giỏi nghiệp vụ, sống với đồng chí đồng đội rất có tình, đối đãi với người ngoài xã hội có tâm.

Chuyện về Một giọt máu đào... - 1

Anh em mà, làm sao không thương. Nhà có hai anh em trai, có chuyện gì cũng thủ thỉ cùng nhau, trải qua một thời niên thiếu cùng nhau, ngủ chung giường, mặc cùng áo..., làm sao không thương. (ảnh minh họa)

Ông Dương Chí Dũng sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng, ông Dương Tự Trọng hy sinh toàn bộ cơ đồ mà mình đã dầy công gầy dựng để cứu anh. Tất nhiên, bao che cho một hành vi sai phạm đã là sai phạm.

Ông Dương Chí Dũng bị bắt, tòa kết án tử hình. Ông Dương Tự Trọng bị truy tố, bãi nhiệm mọi chức vụ, tòa tuyên án ông Dương Tự Trọng 16 năm tù. Ông Dương Tự Trọng có nói với đại ý trước Tòa, “Anh tôi không chịu khổ được, tôi thương anh tôi lắm”.

2. Anh em mà, làm sao không thương. Nhà có hai anh em trai, có chuyện gì cũng thủ thỉ cùng nhau, trải qua một thời niên thiếu cùng nhau, ngủ chung giường, mặc cùng áo..., làm sao không thương.

Anh hơn em chỉ một vài tháng hay một vài tuổi, nhưng anh chững chạc nhiều lắm. Anh làm gì mà không nhường nhịn em. Em hỗn hào, anh buồn đó rồi bỏ quá cho. Chứ giận em sao đành.

Tôi có một anh trai, anh trai hơn tôi đúng một tuổi. Chưa đầy năm, anh phải nhường vú má cho tôi.

Má kể, Má có mang tôi, anh trai tôi dứt sữa từ hồi 8 tháng. Nhớ mùi Má, khóc ngằn ngặt cả đêm. Má thương, cho anh trai ôm cái áo len để đỡ nhớ hơi. Anh tôi ôm cái áo len ấy đến khi mùn đi, còn lại như trái banh lông, vẫn ôm như gia bảo. Má bận chăm tôi, anh trai lẫm chẫm ra sân chơi một mình. Miệng nhòe nhoẹt chất xanh. Đến nhìn, hóa ra là cho phân gà sáp vào miệng. Phân gà sáp, là loại phân của gà mái ấp xuống tổ đi kiếm ăn, to và bẩn.

Anh trai hơn tôi một tuổi, cái gì cũng nhường tôi. Tôi hỗn, đấm anh trai. Anh trai, mắt đỏ hoe, ngấn nước, không đánh lại. Ba Má xây nhà ngoài Quốc lộ, tôi với anh trai vào rẫy canh vườn. Anh trai quần quật làm cỏ, đắp bồn. Tôi, nhặt rau, nấu cơm xong lại lang thang khắp nơi, theo dấu con gà rừng, rình con chim làm tổ. Anh trai phát hàng rào, tôi ôm cần câu ra suối ngồi. Anh trai hì hục quay máy tưới cây, tôi nằm trên võng đọc sách.

Thằng Chín ngón đánh tôi, tôi về méc anh. Anh ra xóm, Chín ngón to con, không đánh trực diện được. Anh trai đuổi tôi về, đợi lúc Chín ngón quay lưng, nhào đến đạp một phát rồi ù té chạy. Tôi đậu Đại học, anh trai khoe khắp xóm. Đi đâu cũng nói, "Thằng Bi giỏi lắm, số nó sau này thế nào cũng sướng". Tôi theo nghề Báo, lập gia đình ở Sài Gòn. Anh trai lập gia đình ở quê.

Thi thoảng, tôi về. Sáng mở mắt, đã thấy anh trai pha trà đặt trước hàng hiên, hỏi "Bi uống cà phê không, Li đi mua?". Lắm lúc, gọi "Bi đưa cháu về chơi. Anh Li nhớ nó quá". Anh em vào vườn chơi, anh trai vẫn chở tôi bằng xe honda. Nhìn trước nhìn sau, thề nào cũng ấn vào xe của tôi ít đồ quê.

 Hỏi rằng, làm sao mà tôi không thương anh trai tôi cho được?”.

3. Tôi có hai con trai, vẫn luôn tâm niệm phải dạy dỗ để anh em biết yêu thương nhau, vì đó mới là của nả lớn nhất mà các con tôi (cũng như tôi) có được.

Chuyện về Một giọt máu đào... - 2

Đến người lạ mình còn không muốn làm họ đau, thì với huyết thống mình sao có thể đành tâm cắt đứt đoạn. (ảnh minh họa)

Tiền nhân dạy, “Sống gửi thác về” (Sinh ký tử quy), rồi ai cũng qua một kiếp người thôi, rồi ai cũng phải dừng rong chơi thôi… Có là gì đâu khi mà sinh ra thì trắng tay, ngày về thì tay trắng. Có chăng, chỉ là sự yêu thương mà mỗi cá nhân dành cho nhau.

Đến người lạ mình còn không muốn làm họ đau, thì với huyết thống mình sao có thể đành tâm cắt đứt đoạn.

Tôi vẫn biết, mỗi gia đình mỗi cảnh, mỗi cá nhân luôn có những nỗi niềm riêng. Nhưng, dẫu cho ở bất cứ hoàn cảnh hay nguyên cớ nào, thì vẫn đớn đau quá chuyện huynh đệ tương tàn.

Tôi không đưa ra bất cứ lời khuyên nào dành cho bạn đọc, vì vốn tôi không thích sự giáo điều. Tôi chỉ tin rằng, được may mắn là người có cùng huyết thống thì phải vun cho đầy, cho ấm áo, chứ làm sao có thể nghĩ đến chuyện cho phai nhạt, cho chia lìa.

Có phải không ạ(?!).

Xem bài viết cùng tác giả:

Tình công sở và đường ngược chiều (P.1)

Tình công sở và đường ngược chiều (P.2)

Đổ nước đá lên đầu, ai thích thì làm, kệ họ!

Đừng mắng Hào Anh

Thương nhớ... người dưng

Luận chuyện lăng nhăng của đàn ông

Ngô Nguyệt Hữu
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề 5 người trong một gia đình tử vong ở SG