Sự phát triển của bé từ sơ sinh 0-3 tuần tuổi

Ngày 28/01/2013 05:00 AM (GMT+7)

Cẩm nang gối đầu giường cho những ai mới 'lên chức' cha mẹ đây!

Bạn mới lên chức cha mẹ? Chắc chắn sẽ có rất nhiều trải nghiệm thú vị chứa đựng cả nụ cười và nước mắt đang đợi bạn khi chăm bé đấy. Bởi vậy, để nuôi dưỡng bé tốt hơn, cùng Eva tìm hiểu những kiến thức căn bản về sự phát triển của bé nhé!

I. Sự phát triển của bé từ sơ sinh đến 3 tuần tuổi

1. Trẻ sơ sinh

Sự phát triển của trẻ: Do nằm cuộn tròn trong bụng mẹ nên khi trào đời trẻ sơ sinh vẫn chưa bỏ ngay được tư thế này với hai tay và hai chân luôn trong tư thế hơi co.

Bạn đừng lo lắng, tay và chân của trẻ sẽ dần dần duỗi thẳng và đến tháng thứ 6 thì sẽ duỗi căng hoàn toàn. Ngoài ra, để giúp trẻ từng bước thích nghi với môi trường và nhiệt độ bên ngoài, bạn nên tạo cho trẻ cảm giác ấm áp và an toàn như khi nằm trong bụng mẹ bằng cách cuốn tròn tã và chăn quanh người trẻ.

Thay đổi đối với mẹ: Chúc mừng bạn, bạn vừa lên chức. Bạn đã có em bé. Bạn cảm thấy rằng con là tất cả cuộc sống này với bạn? Đương nhiên, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng để biết mình cần làm gì cho con và làm những việc đó như thế nào. Bạn có rất nhiều nguồn tin và công cụ để sẵn sàng giúp đỡ bạn trong việc chăm sóc con, tuy nhiên lời khuyên tốt nhất cho bạn trong tuần này đó là: Đừng bắt mình phải trở thành một chuyên gia chăm sóc trẻ em ngay lập tức. Hãy thoải mái và thật bình tĩnh. Trẻ cần thời gian làm quen với cha mẹ cũng như cha mẹ cần thời gian để làm quen với con.

Sự phát triển của bé từ sơ sinh 0-3 tuần tuổi - 1
Bé sơ sinh sẽ 'tặng' cha mẹ rất nhiều trải nghiệm thú vị đấy! (Ảnh minh họa)

2. Trẻ 1 tuần tuổi

Sự phát triển của trẻ: Thời gian này, thị lực của bé vẫn còn khá mờ - chỉ có thể nhìn thấy những vật rất gần - bé chỉ nhìn rõ khuôn mặt bạn khi bạn tiến sát lại gần bé.

Bạn cũng đừng lo lắng khi con không nhìn thẳng vào mắt mình ngay từ đầu. Trẻ sơ sinh có xu hướng nhìn vào lông mày, chân tóc hoặc những cử động miệng của bạn. Khi được 1 tháng tuổi, trẻ sẽ bắt đầu tập trung vào ánh mắt của bạn. Nghiên cứu cho thấy, trẻ sơ sinh thích nhìn khuôn mặt của người đối diện hơn tất cả các vật thể hay màu sắc nào khác (kể cả ánh sáng, chuyển động, màu đen và trắng).

Thay đổi đối với mẹ: Làm quen với cho con bú

Hai đến bốn ngày sinh em bé, mẹ sẽ bắt đầu có sữa và sẽ cảm thấy hai bầu vú căng lên. Sự thay đổi này sẽ khiến nhiều bà mẹ cảm thấy khó chịu. Từ việc không quen cho trẻ ngậm núm vú đến việc vú bị căng sữa. Nếu bạn không vượt qua được những cảm giác này thì việc cho con bú rất khó. Hiện tượng cương sữa sẽ giảm khi mẹ bắt đầu cho con bú. Có một số cách hữu ích để giảm đau khi cương sữa:

-    Tự mát xa bằng nước ấm với vòi hoa sen khi tắm.

-    Chườm khăn nóng vào ngực trước mỗi lần cho bé bú.

-    Tự nặn để sữa nhỏ ra một chút, trước khi đưa đầu vú vào miệng trẻ để trẻ nhanh chóng làm quen với bầu sữa mẹ và bú dễ dàng hơn.

-    Mặc áo ngực dành riêng cho bà mẹ cho con bú.

-    Cho trẻ ăn mỗi 2-3 giờ. Bạn đừng ngại cho con ăn vì sợ đau, bởi cho con ăn đều đặn thì sẽ không bị cương sữa.

-    Uống nhiều nước để duy trì sản sinh sữa.

-    Cho trẻ bú đều cả hai vú.

-    Chườm mát sau khi cho trẻ bú.

Sự phát triển của bé từ sơ sinh 0-3 tuần tuổi - 2
Do nằm cuộn tròn trong bụng mẹ nên khi trào đời trẻ sơ sinh vẫn chưa bỏ ngay được tư thế này với hai tay và hai chân luôn trong tư thế hơi co. (Ảnh minh họa)

3. Trẻ 2 tuần tuổi   

Sự phát triển của trẻ: Sau khi ra đời, trẻ sẽ mất thời gian để làm quen dần với việc quan sát, lắng nghe cũng như bày tỏ cảm nhận về môi trường bên ngoài. Bạn sẽ rất khó phân biệt các biểu hiện khác nhau của trẻ như buồn ngủ hay đói. Cách duy nhất bé có thể giao tiếp với bạn đó là khóc, nhưng bạn hoàn toàn có thể giao tiếp với con qua giọng nói và cử chỉ. Bởi dần dần trẻ sẽ nhận ra giọng nói của bạn, và nhận ra bạn trong số những người khác.

Thời điểm này bé rất thích được bế, vuốt ve, hôn, mát xa và đu đưa. Bé thậm chí còn có phản ứng lại bằng cách “ê a” khi nghe thấy giọng nói hoặc nhìn thấy khuôn mặt mẹ và có thể nhận ra mẹ trong đám đông.

Thay đổi đối với mẹ: Trầm cảm sau sinh

Bạn đã nghĩ rằng, đáng ra mình phải cảm thấy rất hạnh phúc vào lúc này, nhưng tâm trạng của bạn thì hoàn toàn không phải như vậy: bạn dễ khóc, ủ rũ và hay cáu kỉnh. Suốt một tuần sau sinh, bạn chỉ ở trong nhà với em bé, bạn thiếu ngủ, bạn đang cần phục hồi sau sinh, bạn phải chăm sóc con và cảm thấy thiếu kinh nghiệm với con trẻ và nhận được ít sự giúp đỡ - tất cả khiến bạn căng thẳng. Sự thay đổi nội tiết tố cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tâm trạng của bạn. Nguy cơ xấu nhất mà bạn có thể gặp phải đó là trầm cảm.

Cách để giúp mẹ giải tỏa đó là:

-    Chia sẻ cảm xúc với chồng, người thân hoặc kết nối trực tuyến với các bậc phụ huynh khác để luôn cảm thấy bạn không hề đơn độc.

-    Dành thời gian cho riêng mình: Nhờ chồng hoặc bố mẹ trông em bé, bạn có thể đến thăm một người bạn, đi mua sắm hoặc thư giãn trong bồn tắm. Hoặc cùng con đi dạo để tận hưởng không khí trong lành.

-    Để công việc lại phía sau: Bạn cần thực sự nghỉ ngơi và quên đi công việc bằng cách tắt điện thoại, tránh ngồi máy tính.

-    Đến gặp bác sĩ nếu tình trạng kéo dài hơn một tuần và bạn không thể tự giải tỏa.

4. Trẻ 3 tuần tuổi

Sự phát triển của trẻ: Trẻ rất thích và luôn cần bú mẹ. Khi đói, trẻ thậm chí có thể mút tay mình. Để làm giảm cơn khát của trẻ, các mẹ có thể sử dụng một sản phẩm rất hữu ích đó là núm vú. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho hay cho trẻ ngậm núm vú lúc ngủ trưa hoặc trước khi đi ngủ sẽ làm giảm nguy cơ hội chứng SIDS.

Thay đổi đối với mẹ: Giữa mẹ và con luôn có một mối “liên kết vô hình”. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng cảm nhận được điều này và hơn nửa trong số các bà mẹ cũng cần một thời gian nhất định để xây dựng tình cảm với con.

Sau sinh bạn phải điều trị để phục hồi sức khỏe và chưa có nhiều thời gian bên em bé. Bạn cảm thấy tội lỗi khi nhìn con mà như nhìn một người xa lạ. Bạn đừng tự trách mình bởi xây dựng mối quan hệ với con cũng không khác việc xây dựng các mối quan hệ khác, bạn cần thời gian và phải có sự tương tác về cảm xúc. Nếu sau vài tuần bạn vẫn chưa cảm thấy có tình cảm với con và cảm giác mâu thuẫn cảm xúc vẫn tiếp diễn, bạn rất dễ bị trầm cảm sau sinh. Bạn không nên chần chừ mà đến gặp bác sĩ vì càng sớm tìm sự giúp đỡ thì bạn sẽ càng sớm cảm thấy thoải mái hơn.

Mời bạn đón đọc bài viết: "Sự phát triển của bé sơ sinh tháng thứ nhất (tuần 4 - 7)" trên chuyên mục Làm mẹ, vào 5h00, ngày 31/1.

M. Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Thai nhi 3 tuần tuổi