Chị em làm mứt Tết: Thú vui lắm gian nan

Ngày 23/01/2014 08:46 AM (GMT+7)

Tết Nguyên đán năm nay, nhiều chị em tự mày mò, học hỏi để làm mứt gừng, dừa, khoai lang, mứt xoài dẻo để gia đình ăn Tết.

Tự gói bánh chưng, làm bánh ngọt không còn lạ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tuy nhiên, dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, nhiều chị em tự mình xắn tay vào bếp làm mứt đãi cả nhà, biếu họ hàng trong những ngày đầu Xuân.

Qua tìm hiểu, làm mứt bắt đầu rộ lên trong những tháng cuối năm 2013. Thậm chí, có những chị em đã tập tành với việc chọn nguyên liệu, sên mứt, học hỏi kinh nghiệm qua các forum trên mạng để làm mứt trước Tết vài tháng.

Điều khiến nhiều chị em tự tay làm mứt là nỗi lo vấn đề vệ sinh thực phẩm. Một số chị em cho rằng, thường rất băn khoăn khi chọn mua mứt ở chợ, với đủ màu sắc rất hấp dẫn nhưng hoàn toàn không biết quy trình tạo ra sản phẩm như thế nào.

Chị em làm mứt Tết: Thú vui lắm gian nan - 1
Chỉ cần một chút khéo léo, chị em đã có thể tự tay làm món mứt Tết đãi khách.

"Những năm trước tôi thường mua mứt ở chợ, mua thì cứ mua chứ chẳng mấy để ý đến quy trình làm ra mứt như thế nào mà cũng chẳng thể biết được. Đọc nhiều thông tin trên báo, tôi cũng lo lắng về những sản phẩm mứt bắt mắt, không rõ nguồn gốc. Tự làm mới biết các cách tạo màu rất an toàn dùng trà xanh tạo màu mứt xanh, lá nếp cẩm tạo màu hồng, hoàn toàn yên tâm khi ăn", chị Tuyết Nhung (Hà Nội) chia sẻ.

Không chỉ có yên tâm về chất lượng mà tự làm mứt Tết còn giúp nhiều người tiết kiệm được chi phí. Kinh tế khó khăn, thu nhập không được cao, chị Thanh Tâm (Từ Liêm – Hà Nội) cũng mày mò kinh nghiệm của nhiều chị em khác để làm mứt dừa, mứt gừng thay vì mua như những năm trước. Thậm chí, Tết Giáp Ngọ năm nay, chị Tâm dự đoán sẽ tiết kiệm được số tiền lên đến cả triệu đồng.

“Gia đình tôi làm 10kg mứt dừa và mứt gừng cho gia đình và gửi về quê biếu họ hàng. Mỗi kg tốn khoảng 100.000 đồng – 110.000 đồng chi phí nguyên liệu. So với mức giá bán trên thị trường cũng rẻ hơn ít nhất 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Với 10kg mứt tự làm, coi như Tết này tôi tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể nhờ tự làm mứt, thêm vào mua được cành đào đẹp hơn hoặc đưa các con đi xem phim, ăn uống nhà hàng trong mấy ngày Tết”, chị Tâm bộc bạch.

Làm một mẻ mứt không đơn giản

Chuẩn bị ra mắt bố mẹ chồng tương lai dịp Tết này, chị Thu Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã lên mạng tham khảo đủ cách chế biến các loại mứt từ truyền thống như mứt dừa, mứt gừng đến một số loại mứt mới như mứt xoài, mứt cam…từ đầu tháng 12 Âm lịch.

Chị Thu Trang chia sẻ: “Đây là cơ hội để chứng tỏ được khả năng của bản thân nên tôi cũng tham khảo các chị em khác cách làm, kinh nghiệm làm sao cho ngon và bắt mắt nhất. Không chỉ tôi, mà một số đồng nghiệp cũng tự làm mứt. Với mứt tự tay làm, chất lượng từ nguyên liệu đầu vào do chính mình lựa chọn nên không phải lo lắng".

Nhìn công thức làm mứt được chia sẻ trên mạng, nhiều chị em không khỏi khấp khởi mừng thầm. Tuy nhiên, thực tế để làm được mẻ mứt ngon cũng là cả một hành trình đòi hỏi sự quyết tâm.

Chị em làm mứt Tết: Thú vui lắm gian nan - 2

Công đoạn sên dừa đòi hỏi kỹ thuật và sự nhẫn nại của chị em

Chị Việt Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Nếu làm mứt dừa, sau khi mua dừa về, công đoạn ngồi nạo dừa thôi cũng đã thấy oải rồi. Lần đầu tiên làm, tôi để quá lửa nên mứt bị vàng, nghĩ làm cả tiếng đồng hồ, tốn bao công sức lại không được gì. Những ai mà không quyết tâm chắc chắn sẽ không còn đủ tự tin để làm lại lần nữa. Đó là mứt theo vị cổ truyền, còn hiện nay có nhiều loại mứt khác nhau, màu sắc khác nhau, đòi hỏi càng phải kỳ công hơn”.

Đó chưa phải là khó khăn lớn nhất, chị Cẩm Nhung (Đống Đa - Hà Nội) vốn dĩ ngại các công việc nội trợ trong nhà, công việc kinh doanh bận rộn, cuối năm thường xuyên phải đi công tác. Nhưng khi thấy nhiều chị em làm mứt, chị Nhung cũng cố gắng dành chút thời gian rảnh rỗi cuối tuần tự làm mứt dừa vị truyền thống.

Chị Nhung tâm sự: "Nếu như mọi người làm mứt dừa để ăn Tết, để tiết kiệm chi phí thì tôi làm chỉ đơn giản là tò mò và cũng muốn thử sức với công việc này. Tôi thấy bạn bè nhiều người làm, kể với nhau, mách kinh nghiệm cho nhau, đưa cả sản phẩm lên mạng xã hội khiến tôi cũng háo hức làm theo. Nhưng khi làm mới thấy lắm gian nan, sợ nhất là đứt tay chảy máu vì chưa quen nạo dừa bao giờ, tay và chân mỏi nhừ vì đứng sên dừa nữa".

Kinh doanh mứt online đắt khách

Trên mạng Internet, thị trường mứt Tết cũng nhộn nhịp không kém. Qua mạng xã hội, diễn đàn, nhiều người rao bán mứt dừa, gừng, xoài, khoai lang… tự làm. Theo khảo sát mức giá mứt chủ yếu dao động từ 100.000 đồng – 120.000 đồng/kg.

Chị Phạm Dung (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Giá bán trên mạng rẻ hơn 20.000 đồng – 30.000 đồng/kg so với các chợ là do không mất tiền thuê mặt bằng. Nhưng tự làm thì phải cầu kỳ mới kéo được các mẹ đến mua. Trăm người bán nhưng người mua lại chọn kỹ nên càng phải tỉ mỉ. Ảnh chụp sản phẩm đăng lên mạng là có thể so sánh nên chất lượng cũng phải ngon thì người này mới truyền tai người kia để mua”.

Chị em làm mứt Tết: Thú vui lắm gian nan - 3

Để làm được những túi mứt như thế này không phải dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ

Thời buổi kinh tế khó khăn, chị Hoàng Sâm (Nhân viên công ty bất động sản) lo ngay ngáy tiền chi tiêu trong dịp Tết. Theo lời chị Sâm, thị trường bất động sản vẫn chưa có nhiều khởi sắc, tiền thưởng Tết gần như không có nên cũng tự làm mứt để bán kiếm “đồng ra đồng vào”.

“Năm ngoái, công việc ít, thị trường bất động sản u ám nên thời gian cận Tết tôi không mấy bận rộn. Trong một lần ở nhà, tôi mày mò học cách làm mứt cho gia đình ăn Tết để tiết kiệm Tiền. Năm nay, thấy trên mạng nhiều người cũng bán mứt, tôi nảy ra ý tưởng tự làm mứt rồi rao bán. Theo dự tính, mùa Tết này, sau khi trừ tiền chi phí nguyên liệu cũng lãi được vài triệu đồng, đủ tiền mua bánh kẹo biếu hai bên nội ngoại và tiếp khách”, chị Sâm tiết lộ.

Còn chị Nguyễn Tú (Hà Đông - Hà Nội) bắt đầu bán mứt online cách đây 1 tháng. Ban đầu, chị Tú dự định làm 15kg mứt các loại để bán nhưng chưa đầy 1 tuần đã hết sạch.

Chị Tú cho biết: "Ban đầu tôi và ông xã chỉ nghĩ 15kg là đủ, thậm chí còn sợ không ai mua. Tuy nhiên, không ngờ sau mấy ngày đầu chỉ còn vài ba kg. Tôi phải làm thêm hơn 10kg nữa mới đủ để bán, sắp Tết sẽ phải làm thêm vài mẻ mứt nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng".

Khác với các chợ hay siêu thị thường đông người vào những ngày áp Tết, các gian hàng bán mứt trên mạng đã bắt đầu đông khách từ đầu tháng 12. Khách hàng chủ yếu là dân công sở bận rộn nhưng khá khó tính trong việc chọn mua sản phẩm Tết đặc biệt là mứt.

“Sức mua đang tăng dần so với năm ngoái. Mặc dù, chưa phải cận Tết nhưng ngày nào cũng nhận được  trên dưới chục cuộc gọi đặt mua mứt.  Cũng có người đặt sớm vì sợ sát Tết sẽ đông người đặt hàng nhưng cũng người mua để trữ sẵn hoặc mua để ăn hàng ngày thay vì phải đợi đến Tết như nhiều năm trước. Tuy nhiên, khách hàng cũng nên chú ý lựa chọn cẩn thận, đến tận nơi xem chất lượng mứt, ăn thử để yên tâm hơn là chỉ nhìn qua ảnh”, một người bán hàng chia sẻ.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cách làm mứt Tết